Các câu hỏi về công ty cổ phần mới nhất 2018
Câu 1: Chúng tôi dự kiến thành lập doanh nghiệp với loại hình công ty cổ phần. Xin cho biết một số đặc điểm cơ bản của một công ty cổ phần?
Trả lời: Quy định về Vốn điều lệ công ty cổ phần
Công ty cổ phần là một loại hình công ty đối vốn rất điển hình, chiếm số lượng khá lớn trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Nhìn chung, công ty cổ phần thường có quy mô tương đối lớn và có cơ cấu tổ chức quản lý phức tạp. Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật Doanh nghiệp.
Câu hỏi 2: Xin cho biết cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần hiện nay bao gồm những mô hình nào?
Trả lời:
Vấn đề về cơ cấu tổ chức quản lý đối với loại hình công ty cổ phần là một trong những nội dung được thay đổi cơ bản tại Luật Doanh nghiệp 2014. Trước đây, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 thì công ty cổ phần chỉ được tổ chức dưới một mô hình duy nhất (mô hình đa hội đồng) với các thành phần như: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trên cơ sở nghiên cứu về thông lệ quốc tế, để tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp trong quá trình tổ chức quản trị doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp đã cho phép công ty cổ phần tự do lựa chọn hình thức tổ chức quản lý theo mô hình “đơn hội đồng” hoặc “đa hội đồng”. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp thì công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:
a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
(Mô hình đa hội đồng)
b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty
(Mô hình đơn hội đồng)
Câu hỏi 3: Chúng tôi dự kiến thành lập công ty cổ phần và lựa chọn mô hình quản trị là mô hình đơn hội đồng. Xin cho biết quyền hạn, tiêu chuẩn cũng như vai trò về thành viên độc lập Hội đồng quản trịtrong công ty cổ phần chưa đại chúng?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014, trường hợp lựa chọn áp dụng mô hình quản trị là mô hình đơn hội đồng thì ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị.
Thành viên độc lập Hội đồng quản trị sẽ đóng vai trò thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nhỏ. Muốn vậy, các thành viên độc lập Hội đồng quản trị phải có sự độc lập nhất định đối với công ty, không liên quan về tài sản với công ty để tạo ra sự khách quan, vô tư trong quá trình hoạt động. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp 2014 đã đặt ra một số điều kiện và tiêu chuẩn đối với thành viên độc lập Hội đồng quản trị. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 151 Luật Doanh nghiệp thì trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, thành viên độc lập Hội đồng quản trị có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó.
b) Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;
c) Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;
d) Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;
đ) Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó.
Với việc đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn nêu trên sẽ giúp thành viên độc lập Hội đồng quản trị đưa ra những ý kiến khách quan, không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân nên sẽ bảo vệ lợi ích của công ty mà không vì lợi ích riêng của một cá nhân hay một nhóm người nào đó. Qua đó, với sự tham gia giám sát của các thành viên độc lập hội đồng quản trị cũng thể hiện sự công khai, minh bạch trong hoạt động của công ty, làm các cổ đông yên tâm hơn và thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Câu hỏi 4: Tôi được biết khi thành lập công ty cổ phần thì phải có một số cổ đông sẽ giữ vai trò và tư cách của cổ đông sáng lập. Xin cho biết thế nào là cổ đông sáng lập và những lưu ý đối với cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần là gì?
Trả lời:
Khái niệm thế nào là cổ đông sáng lập được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp thì cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Đồng thời, tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP có quy định, Cổ đông sáng lập quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là cổ đông sáng lập được kê khai trong Danh sách cổ đông sáng lập và nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Như vậy, một cổ đông được coi là cổ đông sáng lập khi thỏa mãn các điều kiện sau: (1) cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông, (2) ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập và (3) Danh sách cổ đông sáng lập đó được nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khi thành lập công ty cổ phần thì một số vấn đề sau đây về cổ đông sáng lập cũng nên cần được lưu ý:
- Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
- Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.
- Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
Nguồn: Hoàng Thanh Tuấn
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
TƯ VẤN DUY ANH
Chuyên: Dịch vụ thành lập công ty tại Tphcm, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Long An
Văn phòng Bình Dương: D518/36, Khu phố 5, Phường Chánh Nghĩa, Thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương
Văn phòng TPHCM 1: 13D đường HT23, Phường Hiệp Thành, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng TPHCM 2: 54 Vũ Huy Tấn, Phường 3, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên viên tư vấn: 0918.0918.73 (Mr Hoàng); 0942.851.354 (Mrs Lý)