Thủ tục Thay đổi trụ sở công ty sang tỉnh khác 2022 mới nhất
Thay đổi địa chỉ trụ sở chính của công ty sang tỉnh khác liên quan đến thay đổi cơ quan quản lý thuế. Phải xử lý xong số thuế còn phải nộp, số thuế nộp thừa, hóa đơn. Và liên quan đến bảo hiểm xã hội, hồ sơ hải quan… của doanh nghiệp. Các bước thực hiện việc thay đổi trụ sở này thế nào, thời gian hoàn thành thủ tục mất bao lâu, cần lưu ý những gì? Mời quý khách tham khảo nội dung hướng dẫn sau đây của chúng tôi.
Mục lục
1.) Điều kiện để đặt trụ sở của doanh nghiệp
2.) Các bước thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở sang tỉnh khác
a) Thủ tục thuế
b) Thủ tục thay đổi Giấy phép kinh doanh
c) Sau khi thay đổi địa chỉ trụ sở công ty cần làm gì ?
3.) Giải đáp một số thắc mắc thường gặp
Thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở công ty khác tỉnh 2022
Các bước thủ tục thay đổi trụ sở công ty sang tỉnh khác 2022 mới nhất
1. Điều kiện để đặt trụ sở của doanh nghiệp
Để đảm bảo hồ sơ hợp lệ và được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận, doanh nghiệp lưu ý điều kiện về trụ sở chính của doanh nghiệp như sau:
- Không sử dụng Nhà chung cư có mục đích để ở để làm văn phòng, trừ những nhà chung cư có mục đích sử dung hỗn hợp (Nhà chung cư được thiết kế, xây dựng sử dụng vào mục đích ở và các mục đích khác như làm văn phòng, dịch vụ, thương mại và chỉ sử dụng phần diện tích kinh doanh để mở văn phòng giao dịch
Căn cứ pháp lý:
Khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở 2014
“Nhà chung cư là nhà từ 2 tầng trở lên, nhiều căn hộ, có lối đi bộ chung, có phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng. Có hệ thống công trình được sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Theo đó, nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.”
Theo đó, nếu căn hộ chung cư được xây dựng với mục đích để ở, thì tuyệt đối không được sử dụng làm văn phòng. Điều này cũng được nêu rõ tại khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014: “Cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”.
Nếu chung cư được xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và để kinh doanh thì có thể sử dụng làm văn phòng giao dịch. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ theo Luật Nhà ở 2014. Đó là không được kinh doanh các dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, vật liệu gây cháy nổ, tiếng ồn. Gây ảnh hưởng.
-Phải ghi rõ Số nhà + Tên đường (áp dụng với các quận nội thành của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An của tỉnh Binh Dương) hoặc Số Nhà (các huyện ngoại thành Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố, thị xã của các tỉnh thành khác).
2. Các bước thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở Khác tỉnh.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định số Số: 01/2021/NĐ-CP
“Trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính sang quận, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nơi đặt trụ sở chính dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục với Cơ quan thuế liên quan đến việc chuyển địa điểm theo quy định của pháp luật về thuế.”
Theo quy định trên, doanh nghiệp sẽ thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở Khác tỉnh/huyện bắt đầu từ việc nộp hồ sơ bên cơ quan thuế
2.1 Thủ tục thuế
Nộp hồ sơ chốt thuế khi chuyển trụ sở Khác tỉnh tại cơ quan thuế quản lý
- Thành phần hồ sơ gồm:
a) Mẫu 08-MST (Ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính, chuẩn bị 2 bản) Tải mẫu 08-MST Chốt chuyển tỉnh . Xem cách ghi mẫu 08-MST dưới đây (sau mục c))
b) Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (BC26/AC) của quý chuyển đi (VD: chuyển đi ngày 25/12/2022 thì lập báo cáo BC26 quý 4/2022) kèm theo phụ lục 3.12 (nộp qua mạng)
c) Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền (nếu người đi nộp hồ sơ không phải là đại diện trước pháp luật).
Mẫu 08-MST (Công văn gửi thuế về việc xin chốt thuế chuyển tỉnh)
- Kiểm tra xử lý hồ sơ:
Hồ sơ hợp lệ, cơ quan thuế chủ quản của doanh nghiệp sẽ kiểm tra, đối chiếu tình hình nộp tờ khai thuế (kiểm tra tờ khai nộp có đúng, đủ, trễ hạn), kiểm tra đối chiếu thông báo phát hành hóa đơn, Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (nếu có). Đối chiếu số thuế còn thừa, còn thiếu giữa số liệu của cơ quan thuế và số liệu của doanh nghiệp. Nếu còn thiếu hoặc sai sót, cơ quan thuế sẽ yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện.
Lưu ý quan trọng: Việc chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh sang tỉnh khác, cơ quan thuế không yêu cầu quyết toán thuế, nhưng doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ về tiền thuế (Không nợ thuế, không dư thuế), nếu thiếu tiền thuế thì nộp cho đủ, nếu đang nộp thừa thuế thì lập “Văn bản từ chối nhận lại số tiền nộp thừa” (biểu mẫu 01/ĐNKHT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Điều này khác với việc chuyển trụ sở công ty khác quận/huyện (Chuyển đi nhưng có thể nợ thuế, có thể chuyển số thuế đã nộp thừa sang cơ quản lý mới)
- Thời gian xử lý hồ sơ:
Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, hồ sơ không có sai sót hoặc các sai sót (nếu có) đã được cơ quan thuế lập biên bản và ra quyết định xử lý, doanh nghiệp đã khắc phục xong thì cơ quan thuế sẽ phát hành mẫu 09-MST Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm, nhận được mẫu 09-MST doanh nghiệp sẽ tiến hành chuẩn bị bước kế tiếp: Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Mẫu 09-MST- do cơ quan thuế phát hành sau khi doanh nghiệp hoàn thành thủ tục thuế
2.2 Thủ tục đăng ký kinh doanh
Trong thời gian 10 ngày kề từ ngày cơ quan thuế trả kết quả (Mẫu 09-MST), doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thành phần hồ sơ gồm có :
a) Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Mẫu quy định sẵn). Tải mẫu thông báo thay đổi trụ sở Khác tỉnh
b) Quyết định và bản sao hợp lệ Biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, ; Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tải mẫu quyết định thay đổi trụ sở Khác tỉnh
c) Giấy ủy quyền nộp hồ sơ và nhận kết quả (trường hợp người đi nộp hồ sơ không phải là người đại diện pháp luật.
d) Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của người nộp hồ sơ
- Thời gian xử lý hồ sơ:
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Doanh nghiệp cử người đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh và trả phí để được nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua đường bưu điện.
2.3 Sau khi thay đổi địa chỉ trụ sở công ty cần làm gì ?
Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, doanh nghiệp cần tiến hành các thủ tục khác như sau.
1) Tiến hành làm con dấu mới: Việc làm lại con dấu cũng không bắt buộc. Sau khi khắc con dấu mới (Nếu có), doanh nghiệp mang dấu mới ra ngân hàng để làm thủ tục thay đổi mẫu con dấu với ngân hàng để giao dịch những lần sau.
2) Đăng ký thay đổi thông tin hóa đơn với cơ quan thuế: Sau ngày 01/07/2022 doanh nghiệp không được tiếp tục sử dụng hóa đơn Các hóa đơn đặt in, tự in được phát hành và sử dụng theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP. Nên chúng tôi chỉ hướng dẫn cách đăng ký để tiếp tục sử dụng 2 loại hóa đơn đó là:
a) Hóa đơn điện tử theo thông tư số: 32/2011/TT-BTC (Hóa đơn chưa có mã của cơ quan thuế)
Bước 1: Nộp 2 mẫu: Thông báo điều chỉnh thông tin (TB/04AC); Bảng kê hóa đơn chưa sử dụng của người nộp thuế (BK01/AC) gửi đến cơ quan thuế
Bước 2: Liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để điều chỉnh chỉ tiêu địa chỉ trụ sở trên mẫu hóa đơn.
Sau khi thực hiện xong 2 bước trên, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn cho khách hàng bằng hóa đơn với địa chỉ mới
Thời gian: 30 Phút
b) Hóa đơn điện tử theo thông tư số: 78/2021/TT-BTC (Hóa đơn có mã của cơ quan thuế).
Bước 1: Nộp mẫu đăng ký thông tin gửi đến cơ quan thuế, sau khi cơ quan thuế duyệt chấp thuận thì tiến hành bước 2 ngay dưới đây
Bước 2: Liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử để điều chỉnh chỉ tiêu địa chỉ trụ sở trên mẫu hóa đơn.
Sau khi thực hiện xong 2 bước trên, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn cho khách hàng bằng hóa đơn với địa chỉ mới
Thời gian: 1 ngày làm việc
3) Thông báo cho các nhà cung cấp và đăng ký thay đổi thông tin với ngân hàng, BHXH, nhà cung cấp chữ ký số, Hải quan…
Doanh nghiệp thông báo cho các nhà cung cấp về việc doanh nghiệp thay đổi thông tin địa chỉ trụ sở chính, để các nhà cung cấp có thông tin xuất hóa đơn, chứng từ theo địa chỉ mới
Doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi BHXH, thay đổi thông tin với ngân hàng, Hải quan, nhà cung cấp chữ ký số…. về việc doanh nghiệp thay đổi trụ sở để các đơn vị trên thay đổi thông tin của đơn vị trên hồ sơ quản lý.
3. Một số giải đáp thường gặp về việc thay đổi địa chỉ trụ sở Khác tỉnh
a) Tổng thời gian chuyển trụ sở công ty sang tỉnh khác mất bao lâu ?
Trả lời: Tổng thời gian chuyển địa chỉ trụ sở công ty sang tỉnh khác mất 13 ngày làm việc (Trong đó 10 ngày để chuyển thuế, 3 ngày để thay đổi giấy phép kinh doanh).
b) Chuyển địa điểm trụ sở công ty Khác tỉnh có quyết toán thuế không ?
Trả lời: Thông thường, cơ quan thuế sẽ không thanh tra, quyết toán đối với doanh nghiệp tiến hành thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở khác tỉnh. Cơ quan thuế chỉ kiểm tra, đối chiếu tình hình kê khai thuế, tình hình nộp tờ khai thuế.
c) Doanh nghiệp đang nợ thuế (Tự khai/tự nộp) có làm thủ tục chuyển trụ sở công ty Khác tỉnh/huyện được hay không ?
Trả lời: Khi thay đổi địa chỉ trụ sở chính khác tỉnh, cơ quan thuế yêu cầu nộp đủ hết số thuế còn đang thiếu. Nếu đang nộp thừa thì lập “Văn bản từ chối nhận lại số tiền nộp thừa” (biểu mẫu 01/ĐNKHT (Ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
d) Có được lấy hóa đơn đầu vào trong thời gian Chuyển trụ sở công ty Khác tỉnh không ?
Trả lời: Doanh nghiệp vẫn phát sinh nghiệp vụ mua bán hàng hóa, nên trong thời gian đã nộp mẫu 08-MST lên cơ quan thuế, doanh nghiệp vẫn tiếp tục lấy hóa đơn đầu vào theo địa chỉ cũ. Khi nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh theo địa chỉ mới thì doanh nghiệp lấy hóa đơn đầu vào ghi theo địa chỉ mới.
d) Có được xuất hóa đơn trong thời gian Chuyển trụ sở công ty Khác tỉnh không ?
Trả lời: Thời gian làm thủ tục thay đổi trụ sở công ty Khác tỉnh mất khoảng 13 ngày (tính từ ngày cơ quan thuế tiếp nhận mẫu 08-MST. Khoảng thời gian xuất hóa đơn được hay không căn cứ vào loại hóa đơn mà doanh nghiệp đang sử dụng.
- Đối với loại Hóa đơn điện tử theo thông tư số: 32/2011/TT-BTC (Hóa đơn chưa có mã của cơ quan thuế) thì doanh nghiệp sẽ ngừng xuất hóa đơn kể từ ngày nộp mẫu 08-MST đến cơ quan thuế cho đến khi doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mới (Doanh nghiệp sẽ không xuất hóa đơn trong khoảng thời gian này, thời gian không xuất được hóa đơn khoảng 13 ngày).
- Đối với Hóa đơn điện tử theo thông tư số: 78/2021/TT-BTC (Hóa đơn có mã của cơ quan thuế). Doanh nghiệp sẽ dừng xuất hóa đơn kể từ ngày cơ quan thuế chuyển đi chuyển tình trạng thuế của doanh nghiệp sang tình trạng “ NNT chuyển cơ quan quản lý” (Doanh nghiệp sẽ không xuất hóa đơn trong khoảng thời gian từ ngày cơ quan thuế chuyển đi chuyển tình trạng cho đến khi doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mới, thời gian không xuất được hóa đơn khoảng 4 ngày).
e) Có kết hợp việc thay đổi trụ sở công ty Khác tỉnh với thay đổi các nội dung khác trên giấy phép kinh doanh được không ?
Trả lời: Có, doanh nghiệp có thể kết hợp việc thay đổi trụ sở công ty Khác tỉnh với các nội dung thay đổi trên giấy phép đăng ký doanh nghiệp khác như: thay đổi đại diện pháp luật, thành viên, vốn điều lệ, số điện thoại, số căn cước công dân ….
Các bước thay đổi địa chỉ công ty Khác tỉnh phức tạp, Quý khách không có thời gian thực hiện, nếu có nhu cầu chuyển trụ sở từ các tỉnh Phía Nam ra các tỉnh Phía Bắc và ngược lại. vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây.
Liên hệ với chúng tôi: 0918.0918.73 (Hotline) ; 0942.851.454 Zalo (Mr Hoàng) – Email: tuvanduyanh@gmail.com, Rất hân hạnh được phục vụ quý khách.